Các bước chuẩn bị Xây dựng Website Trong phần này chúng ta sẽ tìm hiểu về Hosting – Domain và 3 cách trỏ Domain về Hosting
Đây là phần chuẩn bị trước khi tiến hành cài đặt và xây dựng Website bất kỳ mã nguồn nào hay nền tàng nào nhé.
Chuẩn bị Hosting – Domain cho Websites
Hosting nói chung là dịch vụ lưu trữ & chạy các phần mềm làm Webserver, bao gồm cả dịch vụ Dedicated Server (máy chủ vật lý) – VPS (máy chủ ảo) và Shared Hosting (các gói hosting tạo ra bằng kỹ thuật chia nhỏ tài nguyên phần cứng máy chủ).
MUA HOSTING & DOMAIN
Đối với đa số Websites thì shared hosting & vps đáp ứng đủ nhu cầu.
Shared Hosting dễ quản lý – cài đặt và thường nhận được support kỹ thuật tốt hơn, có phần mềm Control Panel (cPanel, Plesk, Direct-Admin) để người dùng tự setup cấu hình và cài đặt Website.
VPS có tài nguyên máy chủ độc lập, nên mạnh mẽ – chịu tải tốt hơn nhiều so với shared hosting, nhưng khó cài đặt và quản lý vì đa số phải dùng dòng lệnh Linux, chứ không có Control Panel như shared hosting.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ Xây dựng Website trên Shared Hosting dùng cPanel trước – vì tính thông dụng và nhiều tiện ích của cPanel.
Shared Hosting cPanel hiện nay có những tiện ích tuyệt vời như:
- Backup tự động mỗi ngày: cho phép bạn phục hồi website hoặc toàn bộ hosting nếu gặp sự cố, lỗi code hoặc bị nhiễm viruses…
- Let’s Encrypt SSL: chứng chỉ bảo mật SSL bắt buộc phải có cho mọi Website hiện nay, cPanel giúp cài đặt – tự động gia hạn chứng chỉ chỉ bằng 1 click.
- Tự động cài đặt – update – quản lý phiên bản WordPress (và các CMS khác..): chỉ bằng 1 click, chúng ta có thể cài đặt xong 1 Website.
- Công nghệ tăng tốc: đa số Shared Hosting đều dùng Webserver tốt nhất hiện nay là LiteSpeed Webserver (LWS) – đây là phần mềm được tích hợp sẵn các công nghệ tăng tốc Website hiệu quả nhất, người dùng WordPress chỉ cần cài thêm plugin miễn phí LiteSpeed Cache là xong, tốc độ sẽ nâng lên LEVEL mới!
- CloudFlare DNS & CDN: trong cPanel giúp chúng ta đăng ký và dùng CloudFlare nhanh chóng (phần sau sẽ có hướng dẫn cụ thể).
Nếu dùng VPS thì chúng ta không chỉ phải dùng câu lệnh để cài đặt Website mà những công nghệ nêu trên cũng cần phải cài và tùy chỉnh bằng dòng lệnh. Rất khó khăn cho người dùng chưa có kinh nghiệm.
Tin vui là có một số shellscript được phát triển để chúng ta thực hiện các công việc trên nhanh gọn hơn như Centminmod, hay ở VN có hocvps của Luân Trần hay VPSSIM.
Nếu các bạn muốn dùng VPS cho Websites, hãy tham khảo Series hướng dẫn đầy đủ sau: Hướng dẫn mua và sử dụng VPS
Mua hosting cũng là một trong Các bước chuẩn bị Xây dựng Website .
Hosting cho WordPress rất nhiều lựa chọn, nhưng dựa trên tiêu chí chất lượng – giá cả cho người dùng bình thường thì ta có một số lựa chọn sau:
1.1 Hosting trong nước
Tốc độ rất nhanh, không sợ đứt cáp, phù hợp nếu người dùng Website tập trung chủ yếu ở VN.
Uy tín và chất lượng nhất ở VN hiện nay là như VSIS.Net ; Hostvn.Net,…, giá khá tốt, chất lượng ổn định và hỗ trợ kỹ thuật tận tình:
Standard Hosting: phù hợp cho người mới bắt đầu làm web, dành cho site nhẹ, lượng truy cập nhỏ
Turbo Cloud Hosting: khả năng chịu tải cao
Business Hosting: phù hợp cho đối tượng doanh nghiệp vì tài nguyên phần cứng dồi dào
Việc nâng cấp từ gói nhỏ lên gói cao cấp hơn rất dễ, support có hỗ trợ nên chúng ta cứ chọn gói nhỏ để dùng thử trước, khi nhu cầu tăng thì tạo ticket để support nâng lên gói cao hơn.
1.2 Hosting nước ngoài
Hosting nước ngoài thì cả trăm nhà cung cấp thượng vàng hạ cám.
Cộng đồng người dùng ở VN tin tưởng một số nhà cung cấp sau:
- HawkHost: giá rẻ – support tuyệt vời, có location ở Hong Kong và Singapore nên tốc độ về VN rất nhanh.
- StableHost: đối thủ chính của HawkHost, nhưng chất lượng hiện nay chỉ mạnh mẽ khi chọn Datacenter tại Mỹ (Phoenix).
- A2Hosting: cao cấp hơn HawkHost và StableHost, giá cao hơn (vẫn rẻ hơn AZdigi), có Datacenter khắp các khu vực trên thế giới. Nếu người dùng VN thì DC ở Singapore là phù hợp nhất.
- SiteGround: chất lượng rất cao, có DC ở Singapore, nhưng tài nguyên bị giới hạn và giá cao.
Theo đánh giá của người dùng VN hiện nay:
- Với các Website nhỏ thì chúng ta nên chọn HawkHost, giá gói Primary (10GB lưu trữ SSD) chỉ còn khoản hơn $1/ tháng – rất rẻ.
- Website lớn – nhiều người truy cập thì chọn A2Hosting là phù hợp nhất.
Mua tên miền (Domain) để thiết kế website
Tên miền bạn có thể mua kèm hosting, nhưng thường giá đắt, các công ty chuyên hosting thường không mạnh về kinh doanh tên miền (và ngược lại).
Vậy nên trừ khi hosting họ tặng kèm tên miền (như StableHost) thì chúng ta nên mua tên miền tại các công ty chuyên bán tên miền.
Để lựa chọn nhà cung cấp domain, chúng ta cần xem xét:
- Giá đăng ký & gia hạn rẻ: tên miền bạn phải trả phí theo năm, một số nhà cung cấp phí năm đầu rất rẻ, nhưng năm 2 rất cao. Chúng ta có thể đăng ký nếu họ cho phép transfer sang nhà cung cấp khác sau năm đầu tiên.
- Quản lý dễ dàng: những thao tác như thay đổi thông tin Whois, lấy mã transfer, trỏ domain… phải dễ dàng.
- Uy tín: việc bị lấy mất domain, gây khó khăn khi muốn transfer… vẫn còn, tránh xa các nhà cung cấp này.
Một số Nhà cung cấp Tên miền uy tín
Nếu muốn mua tên miền quốc qua (.vn, .com.vn…) thì chỉ có các nhà cung cấp VN được bán loại này, uy tín và transfer, quản lý dễ dàng nhất là Z.Com
Tên miền quốc tế (.com, .net…..mọi loại khác): giá tốt nhất cả đăng ký và gia hạn là Namesilo, Namecheap, sau đó là Godaddy, Exabytes…
Cẩn thận với các nhà cung cấp sau:
- Các nhà cung cấp trong nước: Mắt Bão, Nhân Hòa, PAvietnam, Vinahost…thường gây khó dễ khi bạn muốn chuyển (transfer) sang nhà cung cấp khác. Ví dụ VinaHost giảm giá khủng năm đầu, nhưng năm sau bạn phải gia hạn với giá rất cao, nếu bạn muốn transfer đi phải đóng thêm tiền bù vào phí gia hạn ( khi quảng cáo giảm giá năm đầu họ không hề nêu chi tiết này – rất phản cảm).
- Tên miền free: nhiều nhà cung cấp quốc tế tặng bạn tên miền, nhưng sau khi xây dựng Website thì bạn muốn chuyển đi phải trả khoản phí ‘chuộc’ thân rất cao, có khi họ lấy luôn tên miền nếu giá trị của nó tăng lên. Một kiểu lừa đảo rất khó nhận biết!
Cách mua Tên miền Giá tốt
Có vài chục nhà cung cấp tên miền uy tín cạnh tranh nhau từng $, bạn có thể chọn nhà cung cấp giá rẻ nhất để đăng ký, khi gần đến hạn Renew, hãy transfer đi nhà cung cấp khác.
Nếu bạn chỉ cần một hai tên miền, hãy chọn 2 nhà cung cấp sau:
- Namesilo: giá đăng ký và gia hạn tốt nhất thị trường, miễn phí trọn đời dịch vụ ẩn thông tin sở hữu tên miền (Whois Privacy)
- Namecheap: giá cao hơn Namesilo một xíu, nhưng quản lý và support rất chuyên nghiệp. Đặc biệt ứng với mỗi tên miền khi mua, bạn được mua thêm chứng chỉ bảo mật SSL Comodo Positive giảm đến 90% (có thể kích hoạt bất cứ lúc nào sau này không bắt buộc phải dùng ngay)
- Exabytes: Nếu cần đăng ký nhiều domain giá rẻ trong năm đầu tiên, nhà cung cấp tốt nhất là Exabytes, giá rẻ hơn đến 70% so với thị trường.
Cách trỏ Domain về Hosting
Sau khi bạn mua được tiền và hosting, việc tiếp theo bạn cần làm là phải trỏ được Domain vè Hosting.
Có 3 cách để trỏ domain về hosting thường dùng như sau:
Cách 1: Dùng Name Server của nhà cung cấp Domain
Khi đăng ký Domain, mặc định ta sẽ dùng NS của nhà cung cấp Domain ( Default Name Server).
Nếu ta muốn dùng luôn Name Server này, ta cần khai báo IP của Hosting với nó.
Để khai báo IP của Hosting, ta vào trang quản lý Domain – mục DNS Settings, ở mục A Records ta thêm IP của Hosting ở ô Point to rồi Save lại là xong!
Bước 1 – Để Nameserver mặc định của Domain (khỏi chỉnh gì cả) như hình là Domain tại Namecheap:
Bước 2 – Khai báo IP của Hosting cho Nameserver của Dịch vụ Domain (ví dụ Namecheap như hình):
Chúng ta chỉ cần tạo 2 records:
- A records: Trỏ về IP của hosting. Lưu ý giá trị Host một số nơi có thể bỏ trống, hoặc điền @ hoặc nhập tên domain (ví dụ wpdemuma.com). Tùy dịch vụ mà bạn nhập, nếu báo lỗi thì thử thay giữa 3 giá trị trên.
- CNAME record: Là bảng ghi kiểu tên miền con, đối với domain ta phải thiết lập tên miền con www. để khi người dùng gõ thêm www. trước tên miền thì nó vẫn trỏ về tên miền đó.
Lưu lại nhé:
Cách 2: Dùng Name Server của nhà cung cấp Hosting
Để dùng Name Server của bên Hosting, chỉ cần khai báo nó trong domain thay cho NS mặc định.
Trong mục Nameservers, ta thay 2 bản ghi (NS Records) mặc định thành NS Records của bên Hosting cung cấp.
Ví dụ, với VSIS.NET thì Nameserver để dùng cho dịch vụ shared hosting là:
ns3.vsis.net
ns3.vsis.net
Hay của StableHost là:
ns1. stablehost.com
ns2.stablehost.com
Chỉ một bước duy nhất – Trong trang quản lý Domain, chọn dùng Nameservers của nhà cung cấp Hosting bằng cách chọn Custom Nameservers và nhập 2 NS Records của dịch vụ Hosting bạn dùng!
Lưu lại nhé.
Cách 3: Dùng Name Server trung gian
Nếu ta không thích dùng Name Server của nhà cung cấp Domain lẫn Hosting, ta có thể dùng Name Server bất kỳ khác. Tất nhiên, 2 việc cần làm là:
- Khai báo Name Server này với Domain (thay cho Name Server mặc định)
- Khai báo IP của Hosting với Name Servers này
NameServers trung gian phổ biến nhất hiện nay là CloudFlare (hay còn gọi là dịch vụ DNS Trung gian) – vì phần cứng của hệ thống Name Server này đặt trên các Trung tâm điện toán đám mây trên khắp thế giới – nên thời gian xử lý và phản hồi rất nhanh và ổn định.
CloudFlare còn cung cấp dịch vụ CDN – Content Delivery Network – Hệ phân tán dữ liệu – Đây là dịch vụ giúp lưu cache của Website trên hệ thống lưu trữ đám mây toàn cầu nên tăng tốc độ truy cập rất đáng kể.
CloudFlare DNS miễn phí, CloudFlare CDN cũng có miễn phí (kèm chứng chỉ SSL miễn phí nữa).
Chúng ta sẽ có phần hướng dẫn đầy để đăng ký – cài đặt – sử dụng CloudFlare DNS & CDN ở phần sau!
Tìm hiểu các Records khác trong NameServers
Khi trỏ domain về Hosting, ta thường chỉ quan tâm tới A Records, nơi khai báo IP của Hosting!
Thực tế còn nhiều Records khác, nhưng chúng tự động tạo sẵn theo các giá trị mặc định, nếu cần thiết ta phải chỉnh lại các giá trị này:
CNAME records: là bản ghi các tên miền con. Ví dụ:
www: đây là phần phải có để khi người dùng gõ www.eduma.com thì vẫn vào eduma.com!
sub- domain: Khi cần tạo các Website dựa vào tên miền con, ví dụ demo.eduma.com .
TXT records: các bản ghi dạng text, mục đích là để khai báo các giá trị nhằm xác thực domain.
Ví dụ khi bạn muốn dùng dịch vụ Email theo tên miền của Yandex hay Zoho, Gsuite… thì bạn phải khai báo một TXT records để các dịch vụ này chứng thực là bạn đang sở hữu domain này.
Hoặc khi đưa domain lên sàn Đấu giá tên miền của Godaddy, bạn cũng cần thêm TXT record để họ kết nối và xác nhận quyền sở hữu domain là của bạn.
Về giá trị khai báo của các Records này mỗi dịch vụ sẽ có Hướng dẫn kèm theo, nên khi chưa dùng tới bạn cứ để mặc định, không cần chỉnh sửa hay thêm vào.
Hướng dẫn dùng SUB-DOMAIN
Sub-domain là tên miền con, nó có thể trỏ về Website khác trên Hosting với tên miền mẹ hoặc trỏ về hosting khác.
Khi nào cần dùng Sub-domain?
Ví dụ bạn có một Website là vsis.net và muốn thay đổi theme, cài đặt lại tính năng… nhưng không muốn làm trực tiếp lên site đang chạy để tránh ảnh hưởng người dùng. Hay bạn muốn tạo các landing page sản phẩm riêng biệt hoặc chuyên mục riêng biệt.
Vậy bạn tạo một sub domain tên là test.vsis.net, rồi dùng một trong các plugin để Clone Website là Allinone WP Migration hay Duplicator để clone toàn bộ vsis.net về test.vsis.net, sau khi chỉnh sửa mọi thứ như ý trên test.vsis.net, ta lại Clone nó về vsis.net để thay cho site cũ!
Hay nếu bạn có dịch vụ thiết kế web là vsis.net, bạn cần tạo 40 site khác nhau để làm demo cho khách hàng lựa chọn giao diện phù hợp? Vậy ta tạo 40 sub domain như: demo1.vsis.net, demo2. vsis.net ,…. 40. vsis.net !
Subdomain được khai báo trên cả Name Server lẫn Hosting.
Cách Khai báo & Tạo Sub-Domain
Việc khai báo SUB Domain khá dễ, nhưng cũng như trên, tùy vào ta dùng Name Servers nào mà việc tạo SUB domain có thể khác nhau!
- Nếu dùng NameServers của Domain: ta cần vào mục DNS Settings để khai báo các records cho sub domain.
- Nếu dùng NameServers trung gian như CloudFlare: tương tự 1, cần khai báo thêm records trong mục DNS.
- Nếu dùng NameServers của Hosting: không cần khai báo thêm vì khi bạn tạo Sub Domain trong cPanel, các CNAME tương ứng đã được tự động khai báo với Name Servers của Hosting (bạn có thể kiểm trong trong Zone Editor)
Ví dụ ta cần tạo một Website mới dùng sub domain là demo.vsis.net thì ta cần làm 2 việc:
Bước thứ 1:
Khai báo sub-domain với Nameservers:
- Nếu sub-domain và domain đều trỏ về cùng 1 hosting: thì ta cần tạo 2 CNAME, ví dụ demo và www.demo trỏ về vsis.net
- Nếu sub-domain trỏ về hosting khác với domain: ta cần tạo 2 A Records, ví dụ demo và www.demo và trỏ về IP của hosting đó.
Bước thứ 2:
Tạo sub-domain trên cPanel, khi tạo sub-domain, một thư mục mới sẽ được tạo ra để chứa Website dành cho sub-domain. (ví dụ demo.wpeduma.com).
Lưu ý về www khi tạo SUB – DOMAIN trên cPanel
Trên Hosting đã cấu hình sẵn, nếu chúng ta truy xuất một domain với sub là www. thì nó sẽ tự động chuyển về Website của domain mẹ.
Ví dụ gõ www.demo.wpeduma.com thì nó sẽ chuyển về Website trong demo.wpeduma.com hay gõ www.wpeduma.com thì sẽ chuyển về wpeduma.com!
Do đó, trên hosting khi tạo Sub Domain, ví dụ demo.wpeduma.com nó sẽ tạo một thư mục chứa website cùng tên (demo.wpeduma.com) mà không tạo thêm thư mục www.demo.wpeduma.com!
Trên đây là bài viết Các bước chuẩn bị Xây dựng Website . Đây chỉ là một bước khởi đầu để bạn thực hiện xây dựng 1 website thôi nhé. Nếu bạn còn gặp khó khăn trong việc thực hiên các công việc kể trên thfi bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được trợ giúp.
Hãy luôn theo dõi chúng tôi trên:
- Fanpage chính thức của VSIS.net: https://www.facebook.com/vsisnetidc/
- Trên Youtube của chúng tôi
- Trên linkedin:
- Trên Medium
- Trên Twitter.com
- Website: https://blog.vsis.net/