Bạn đã từng khởi nghiệp thành công, mô hình kinh doanh sinh lời như ước muốn nhưng không thể nào duy trì được nữa, mà phải đành buông bỏ chỉ vì … “khô máu”?
Khởi nghiệp thì phải cần có tiền, , bao nhiêu là đủ? Muốn biết thì phải tính, muốn tính thì phải học & phải đọc.
Tiền bỏ vào một dự án khởi nghiệp gồm
- Các khoản đầu tư ban đầu
- Các khoản lỗ khi chưa sẵn sàng
- Vốn lưu động
Các khoản đầu tư ban đầu:
Liệt kê ra những khoản mục cần có cho dự án vận hành ban đầu, cái khó chính là ở kinh nghiệm, thiếu cái này thì độ chính xác có thể chỉ vào khoảng 30%.
Ví dụ : mở một cửa hàng dịch vụ,
- Cái lõi của sản phẩm nằm ở công năng
- Cái hồn của sản phẩm thì lại nằm ở trải nghiệm khách hàng,
–> mọi thiết kế lại phải phù hợp với phân khúc nhắm tới. Khó có một kiến trúc sư nào đủ giỏi và đủ kinh nghiệm để đáp ứng đủ các tiêu chí đó, việc xây rồi và sửa lại là chuyện đương nhiên, chi phí xây dựng đương nhiên sẽ phát sinh so với dự toán. Ngoài ra, để không bỏ sót bất cứ khoản mục tiêu tiền nào, bạn cần phải hình dung ra được qui trình trải nghiệm khách hàng ở những tình huống khác nhau, từ đó liệt kê ra các hạ tầng, công cụ cần thiết ở cả hai phương diện online và offline.
Nên nhớ, tiền cọc thuê mặt bằng là một khoản đầu tư, có thể không mất luôn nhưng chỉ có thể quay về túi bạn khi kết thúc dự án. Tuỳ vào quy mô dự án nhưng khoản mục này sẽ không dưới 10% các khoản đầu tư ban đầu, bỏ qua chúng trong bước liệt kê nguồn vốn sẽ tạo nên một sai lệch đáng kể.
Thiếu kinh nghiệm thì việc thuê đơn vị tư vấn là một giải pháp dành cho những khởi nghiệp gia nhiều tiền, còn lại nếu chỉ có ít tiền để thuê tư vấn rẻ, thì lời khuyên là nên nghiên cứu, lượm lặt kinh nghiệm cho kỹ rồi tự làm còn hơn.
Các khoản lỗ
Khó dự phóng nhất. Đối với các tập đoàn bán lẻ chuyên nghiệp họ luôn dự phóng một đến hai tháng chạy thử với cái chi phí gọi là opening fee, chỉ để thử nghiệm khâu vận hành. Sau vài tháng nếu vẫn chưa đạt được điểm hoà vốn họ sẽ đưa một đội quân thiện chiến nhảy vào tiếp quản. Nếu vẫn không xong, họ sẵn sàng cắt lỗ. Đối với họ, mỗi cửa hàng chỉ là một sản phẩm trong cả một hệ thống chuỗi, bỏ đi một cửa hàng thì thương hiệu vẫn còn và họ vẫn thể làm lại.
Còn đối với khởi nghiệp gia thì sao? Khi lâm vào cái thế tiến thoái lưỡng nan thì bạn sẽ quyết định thế nào? Dừng lại nghĩa là mất tất cả, nhưng nếu bước tiếp thì chấp nhận lỗ đến bao giờ, và liệu bạn đã chuẩn bị đủ vốn cho việc tiếp lỗ?
Nên nhớ, mức lỗ cao nhất không chỉ nằm ở chi phí cố định, có những thời điểm bạn phải chấp nhận bơm tiền vào những chi phí phát sinh khi mà bản thân chúng còn chưa đem về đủ thu để mà bù chi. Vì vậy, hãy dự phóng một kế hoạch thận trọng nhất, chấp nhận tình huống xấu nhất có thể xảy ra và chuẩn bị đủ vốn.
Vốn lưu động
Là một dạng vốn tồn tại trong suốt quá trình của dự án, tuỳ vào mô hình kinh doanh và kênh bán hàng mà loại vốn này có thể chiếm tỷ trọng cao hay thấp trong con số tổng đầu tư. Quy mô kinh doanh càng lớn vốn lưu động càng phải đọng lại nhiều. Để tính toán chính xác nguồn vốn này cần có kỹ năng chuyên môn nhất định, và một tư duy hệ thống tốt để mường tượng ra bức tranh vận hành tổng thể của cả một dự án.
Có một điểm cần lưu ý, vốn lưu động được phân loại là các hạng mục ngắn hạn trên các báo cáo quản trị, để quản lý dòng tiền. Ở đây chúng ta đang tính toán nguồn vốn cần thiết cho cả một dự án, vốn lưu động như một dòng nước tuần hoàn tồn tại trong suốt dòng đời của dự án và phải được tài trợ bằng nguồn vốn dài hạn. Đây là một khoản mục dễ bỏ lỡ nhất của các khởi nghiệp gia và nguyên nhân hết tiền cũng phần nhiều là từ đây mà ra.
Nên nhớ tất cả những gì các bạn vừa đọc là về tiền chứ không phải tính toán lợi nhuận, có lời nhưng không có tiền thì đau lòng lắm. Vì vậy chỉ nên bắt đầu khởi nghiệp nếu như đã nhận thức được thật rõ doanh nghiệp dù có lời nhưng vẫn có thể thiếu tiền.
Bài của a Việt Ba
A1 Digihub biên tập